Nữ vương xứ Palmyra Zenobia

Các thế lực ở Địa Trung Hải vào năm 271.
Đế quốc Palmyra dưới thời Zenobia được hiển thị màu vàng

Zenobia đã kết hôn với Septimius Odaenathus, Tiểu vương xứ Palmyra vào năm 258; bà là vợ thứ hai của ông. Zenobia còn có một con riêng là Hairan, con của Odaenathus với người vợ đầu tiên. Có một bảng khắc chữ, ‘ngài chấp chính quan lừng lẫy của chúng ta’ ở Palmyra, được Zenobia đề tặng cho Odaenathus. Khoảng năm 266, Zenobia và Odaenathus đã có với nhau một người con trai thứ hai là Lucius Julius Aurelius Septimius Vaballathus Athenodorus. Cái tên Vaballathus (tiếng Latin từ tiếng Aram והב אלת, Wahballat "Món quà của Nữ thần") được thừa hưởng từ tên của ông nội Odaenathus.[7]

Năm 267, chồng và người con riêng của Zenobia đã bị ám sát. Người thừa kế ngôi vị Vaballathus chỉ mới có 5 tuổi, vì vậy mà bà phải nối ngôi chồng mình và thay con mình trị vì xứ Palmyra. Zenobia còn tự phong cho bản thân và con trai của mình các chức danh tôn kính là Augusta và Augustus. Kế đó bà mang quân chinh phục các vùng đất mới và mở rộng Đế chế Palmyra trong ký ức của người chồng quá cố và là di sản dành cho con mình. Mục tiêu ban đầu của Zenobia là bảo vệ bờ cõi phía Đông Đế quốc La Mã từ các cuộc tấn công của Đế quốc Sassanid đổi lấy sự bình an của Roma, thế nhưng những nỗ lực của bà đã góp phần tăng lên đáng kể uy quyền cho ngai vàng của mình.

Mở rộng bờ cõi

Bức tranh của Giovanni Battista Tiepolo, Aurelianus ca khúc khải hoàn, 1717, Museo del Prado.

Năm 269, quân đội của Zenobia và đại tướng Zabdas đã dốc sức tiến chiếm Ai Cập với sự giúp đỡ từ đồng minh Ai Cập của họ là Timagenes. Viên thái thú Ai Cập thuộc La Mã là Tenagino Probus và quân của ông ta đã cố gắng đánh đuổi họ ra khỏi Ai Cập, nhưng thất bại sau đó ông ta còn bị quân lính của Zenobia bắt sống và chém đầu, rồi bà tự phong cho mình là Nữ hoàng Ai Cập. Sau những cuộc cướp phá ban đầu, Zenobia được binh sĩ xưng tụng như một "Nữ hoàng Chiến binh". Trong việc chỉ huy quân đội của mình, bà đã tỏ ra can đảm và thể hiện khí phách của một nữ anh hùng như khả năng cưỡi ngựa chiến lâm trận và đi bộ từ ba đến bốn dặm với những người lính bộ binh.

Zenobia cùng với đại quân của mình đã mở cuộc viễn chinh và chinh phục Anatolia đến tận Ancyra hoặc AnkaraChalcedon, tiếp theo là Syria, PalestineLiban. Với một đế chế tồn tại trong thời gian ngắn của mình, Zenobia đã nắm quyền kiểm soát các tuyến đường thương mại quan trọng ở khu vực này từ tay La Mã. Hoàng đế La Mã Aurelianus lúc này đang bận rộn chinh phạt với Đế quốc Gallia, nên tạm thời công nhận uy quyền của Zenobia và Vaballathus, về sau mối quan hệ này bắt đầu bị phá vỡ khi Aurelianus chuẩn bị một chiến dịch quân sự để thống nhất đế chế La Mã vào năm 272-273. Aurelianus dẫn đại quân của ông rời khỏi Đế quốc Gallia và tiến về phía Syria, Zenobia nghe được tin báo cũng mang binh tới chống cự. Quân đội hai bên gặp nhau và giao chiến gần Antioch. Sau khi bị giáng một đòn thua liểng xiểng, tàn quân Palmyra đã nhanh chóng rút về Antioch và sau đó là Emesa.

Nữ hoàng Zenobia đứng nhìn Palmyra lần cuối,
tranh của Herbert Gustave Schmalz. Lần đầu trong triển lãm, Phòng tranh phía Nam Úc, Adelaide.

Zenobia không thể di dời số kho tàng của mình tại Emesa trước khi Aurelianus tiến quân vào thành công và bao vây thành phố. Cả hai mẹ con bà đều thoát khỏi Emesa bằng lạc đà với sự giúp đỡ từ người Sassanid, nhưng chẳng mấy chốc họ đã bị kỵ binh của Aurelianus bắt trên sông Euphrates. Vương quốc Ai Cập và Đế chế Palmyra tại trong thời gian ngắn đã chính thức cáo chung. Những binh lính Palmyra còn lại bị bắt sống mà từ chối đầu hàng đều bị Aurelianus ra lệnh xử tử. Trong số những người bị xử tử gồm có cố vấn trưởng của Zenobia và nhà triết học Hy Lạp Cassius Longinus.

Thất bại và kết cục

Zenobia và Vaballathus đã bị Aurelianus bắt làm con tin đến Roma. Vaballathus được cho là đã chết trên đường đến Roma. Năm 274, Zenobia theo như sử sách ghi chép đã xuất hiện với bộ dây chuyền bằng vàng trong cuộc diễu hành quân sự mừng chiến thắng của Aurelianus tại Roma, trước sự hiện diện của nguyên lão nghị viên Marcellus Petrus Nutenus. Nhiều nguồn sử liệu đã tranh cãi về số phận của Zenobia: Một số tài liệu còn cho rằng bà đã mất sớm sau khi đến Roma, có thể do lâm trọng bệnh, tuyệt thực hoặc bị xử trảm.[8] Tuy vậy có chuyện kể lại với cái kết hạnh phúc nhất về Aurelianus, ấn tượng bởi vẻ đẹp và phẩm giá của bà và tỏ ý muốn khoan dung, bèn tha bổng Zenobia và cấp cho bà một biệt thự sang trọng ở Tibur (nay là Tivoli, Ý).

Sử liệu kể rằng từ sau khi được hoàng đế tha mạng sống, Zenobia được chu cấp tiền bạc đủ để sống trong cảnh phú quý giàu sang và sớm trở thành một nhà triết học nổi tiếng, giao thiệp rộng và được thiên hạ gọi là mệnh phụ La Mã. Bà được cho là đã kết hôn với một thống đốc và nguyên lão nghị viên La Mã không rõ tên, dù có lý do để nghĩ rằng người đó có thể là Marcellus Petrus Nutenus. Họ có với nhau một vài đứa con gái không rõ tên, nhưng cũng có tài liệu khác nói rằng bà được gả cho một gia đình quý tộc La Mã. Thậm chí Zenobia còn có đám con cháu tiếp tục sống vào thế kỷ 4 và 5, một trong số đó có viên Giám mục Zenobius xứ Florence sống vào thế kỷ 5.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Zenobia http://books.google.ca/books?id=8kLFfE1qPhIC&pg=PA... http://womenshistory.about.com/library/bio/ucbio_z... http://www.geodepress.com http://books.google.com/books?id=oZcr7SzzVYYC&pg=P... http://books.google.com/books?id=oZcr7SzzVYYC&pg=P... http://books.google.com/books?id=oZcr7SzzVYYC&pg=P... http://www.mainlesson.com/display.php?author=morri... http://youtube.com/watch?v=2RIAds2Hsis http://oll.libertyfund.org/?option=com_staticxt&st... http://www.livius.org/paa-pam/palmyra/zenobia.html